MÌNH XẤU THÌ MÌNH SỬA THÔI ĐỐ KỴ

MÌNH XẤU THÌ MÌNH SỬA THÔI

ĐỐ KỴ

Hỏi những người bạn, "Theo anh chị, trong những tính xấu của người Việt thì tính xấu nào nổi trội nhất?" Tất cả đều bảo, "Đố kỵ."
Đố kỵ là gì? Tại sao con người lại sinh ra tính đố kỵ?
Đố kỵ sinh ra từ bản tính ích kỷ của con người. Một người đang nghèo đói khó khăn thì được rất nhiều người thương cảm, nhưng hắn do làm ăn giỏi, cần cù hoặc bỗng được giúp đỡ nên giàu lên hơn người thì người ích kỷ nảy sinh lòng đố kỵ vì không muốn hắn hơn mình.
Đố kỵ khác với tranh đua. Tranh đua là một trong những động lực giúp con người cố gắng vượt lên để đạt được thành tích cao nhất. Đố kỵ thì muốn kéo người khác xuống thấp hơn mình.
Người Việt mình có những cá nhân xuất sắc trong nhiều lĩnh vực, nhưng trên bình diện chung thì bình thường, tàng tàng, không có gì hơn, thậm chí nhiều phần thua kém các dân tộc khác. Đó là nỗi mặc cảm dân tộc không có gì để tự hào.
Trong cái bình diện chung ấy, con người luôn khát khao được thể hiện, được công nhận, được tự hào, nhưng không được vì không đủ giỏi. Nên khi thấy có người trội hơn mình một chút là không thích vì điều đó làm cho họ nhận ra sự kém cỏi của bản thân một cách rõ ràng. Khó có ai có thể chấp nhận được điều này, thế nên họ buộc phải tự lừa dối mình rằng, "Cái đứa ấy có giỏi giang gì đâu, chẳng qua may mắn." "Con đó làm sao viết được hay như thế, chắc người khác viết hộ." Nghĩa là, bắt buộc phải không công nhận người khác giỏi hơn mình. Nếu công nhận nó giỏi thì khác nào tự nhận mình dở hơn?
Sự đố kỵ ở khắp nơi, trong các cơ quan nhà nước, trong công ty, trong các mối quan hệ xã hội, trong môi trường đấu tranh cho dân chủ, trong nước ngòai nước. Người Việt luôn đố kỵ nhau và luôn cố kéo nhau xuống.
Khá nhiều người còn có tư duy tôn sùng lãnh tụ nên cứ bảo với tôi rằng VN chưa thay đổi vì không có lãnh tụ giỏi để dẫn dắt. Tôi nghĩ, đất nước không cần lãnh tụ nhưng rất cần đội ngũ lãnh đạo giỏi. Ta thấy người Việt rất mâu thuẫn khi mong có lãnh tụ giỏi nhưng cứ đứa nào mới có khả năng trội lên một chút là ta lại vùi dập đi vì sự đố kỵ chứ không bồi dưỡng hun đúc cho nó. Grandi, Joshua Wong mà hoạt động ở VN thì cũng chẳng thể nào trở thành người vĩ đại được.
Sự đố kỵ kéo lùi sự phát triển của các cá nhân đồng nghĩa kéo lùi sự phát triển của tất cả mọi mặt. Thậm chí còn phá hại lẫn nhau để không đứa nào giỏi lên, thành công được. Tính xấu này có ở rất nhiều người nhưng không ai thừa nhận vì ai cũng biết nó rất xấu.
Sửa tính đố kỵ thế nào?
Trước tiên ta cần nhận ra chính mình bằng cách đặt ra và trả lời một số câu hỏi:
-Ta có thường xuyên thật lòng khen tặng người khác không? Nếu không thì vì sao?
-Nếu ta không thường khen người khác có phải ta cho rằng họ tầm thường hơn ta không? Có thật là ở họ chẳng có mặt nào qua được ta không? Nếu ai đó có mặt nào đó giỏi hơn ta thì tại sao ta không khen?
-Khi người nào đó giỏi hơn ta, nhận được nhiều yêu thương hơn ta, thành công hơn ta thì trong lòng ta có yêu thích nó không hay cảm thấy ghét nó?
Chỉ cần mấy câu đơn giản là ta có thể nhận ra bản thân có đố kỵ hay không.
Sửa thế nào?
Đầu tiên, ta cần hiểu không có ai hoàn hảo. Trừ một số ít xuất chúng thì con người chúng ta thường giỏi mặt này kém mặt khác. Vì vậy, ta chẳng cần đố kỵ với người khác làm gì vì ta thua họ mặt này nhưng hơn mặt khác.
Hãy tìm điểm mạnh của mình, làm cho nó trở thành xuất sắc và tự hào về điều đó. Khi làm được điều này, ta sẽ thấy vui vẻ với điểm mạnh của người khác và sẽ biết cách kết hợp những mặt giỏi của mình và mặt giỏi của người để phục vụ cho công việc, cuộc sống của ta tốt hơn hoặc phục vụ cho công việc đấu tranh.
Thứ đến, hãy biến sự đố kỵ thành sự tranh đua. Cùng một công việc, ai giỏi hơn sẽ đạt thành công hơn. Ta hãy cạnh tranh bằng chính sức lực, kiến thức, tư duy của mình để vượt lên vị trí cao hơn. Đừng cố gắng kéo người khác xuống vùi dập họ để thỏa mãn cảm giác họ thua mình vì việc đó chỉ gây hại cho người và chính bản thân mình mà thôi.
Sửa đổi bản thân để bỏ đi những tính xấu là một quá trình lâu dài nhưng bắt buộc phải làm nếu muốn một xã hội thay đổi và phát triển.

Tg: Nga Thi Bich Nguyen

Đăng nhận xét

0 Nhận xét