BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG, DO ĐÂU?

BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG, DO ĐÂU?
Sáng nay, mới mở mắt, chui vô Facebook lướt tin, đập vào mắt mình cái clip các em học sinh nữ đánh hội đồng một em nữ, lột quần áo, quay clip. Mình ngồi gõ một đoạn dài chia sẻ suy nghĩ về việc đó nhưng khi bấm chia sẻ thì không hiện lên trang. Mình bỏ luôn không gõ lại nữa.
Cả ngày nay mình đọc khá nhiều trạng thái chia sẻ suy nghĩ của anh em bạn bè. Trong đó, phần lớn bảo lỗi của bộ giáo dục, bộ trưởng Nhạ bị réo chửi nhiều nhất. Sau đến hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm bị chửi. Thứ đến là xã hội bị chửi. Sau cùng là mấy em đánh bạn bị chửi ác độc trong bản chất.
Có một số người kể chuyện ngày xưa tuổi học trò cũng đánh nhau toét đầu nổ trán và coi đó là việc bình thường của tuổi choai choai, quan trọng là cách xư lý và họ cho rằng cách xử lý nhanh gọn hiệu quả nhất là lôi con về đập cho một trận, dắt đi xin lỗi bạn. Cách này được rất nhiều người đồng tình.
Hồi nhỏ, tôi là đứa hiền lành, rất ít nói. Ba bệnh nặng. Mẹ vất vả nuôi chồng chăm con, kiếm tiền. Sự cực khổ dồn lên vai mẹ, sự bạo hành mẹ phải chịu từ tuổi thơ khiến mẹ hay cằn nhằn và đánh con. Mẹ tiến bộ hơn các bà mẹ khác cùng thời, nhưng mẹ không thoát được vòng lặp bệnh lý. Tôi ngay từ năm, sáu tuổi đã lờ mờ nhận thức được việc không nên làm mẹ buồn. Phần yêu mẹ, phần không muốn nghe mẹ than thở, nên có chuyện gì tôi cũng im lặng không mách mẹ như những đứa trẻ khác. Tôi tự tạo tính chịu đựng cho mình ngay khi bé xíu.
Suốt năm lớp một và năm lớp hai, ngày nào tôi cũng bị một nhóm do con Thu, đứa lớn nhất trong trường do bị lưu ban nhiều năm, cầm đầu một số đứa khác lớn hơn tôi, bắt nạt. Anh Tư đạp xe chở tôi tới trường, thả tôi ở cổng. Anh vừa đi khỏi chúng liền xuất hiện, bao vây tôi vào giữa. Chúng lục cặp bắt tôi cống nạp toàn bộ vài xu lẻ hoặc củ khoai, trái chuối, vài cục phấn màu... Chúng tước đoạt sạch sẽ tôi trong tiếng cười hả hê xong thì tha cho tôi vào lớp.
Tôi sợ hãi tột độ và ngoan ngoãn cống nạp bởi nếu không chúng cú đầu, ngắt nhéo, giật tóc rất đau. Chúng đe dọa nếu tôi mách anh thì chúng sẽ đánh tôi đau hơn. Thầy cô giáo cũng đánh đập tôi dã man chỉ vì tôi viết tay trái. Mách ai?
Những hôm tôi không có gì để cống nạp là những ngày tôi chịu đau nhiều nhất. Chúng hành hạ đến gần sát giờ vào lớp mới thôi và tuyên bố tôi nợ chúng. Chúng cộng dồn nợ vào bắt tôi cống nộp lần sau nhiều hơn và trừng phạt tội nợ bằng cách bẻ bút chì, bôi bẩn sách vở để tôi bị cô phạt, mẹ đánh.
Gần cuối năm lớp hai, ba tôi bị tai biến phải nằm viện. Mẹ vốn đã ít thời gian giờ không còn thời gian quan tâm tôi nữa. Tôi nợ chúng nhiều hơn, bị đánh nhiều hơn.
Một hôm, con Thu bảo tôi đã nợ chúng quá nhiều và bắt tôi phải về nhà ăn cắp tiền mẹ để nộp cho chúng. Bỗng đâu trong người tôi trào lên sự giận dữ tột cùng. Người tôi run lên bần bật. Tôi nhảy lên túm áo con Thu lôi nó ngã xuống. Mấy đứa xúm vào đấm đá cào cấu cố lôi tôi ra nhưng không cách nào lôi được. Tôi bấu chặt lấy con Thu, vớ cục đá nện vào đầu nó. Nó nằm im. Tôi cho hai ngón tay cái vào miệng nó kéo xé ra hai bên. Tôi muốn xé rách toạc cái miệng nó ra. Cái miệng bắt tôi ăn cắp của mẹ. Tôi không còn thấy đau. Không nghe thấy tiếng người xung quanh. Chỉ còn tôi và con Thu. Chỉ còn tôi với cái miệng cái đầu đầy máu me của nó.
Những cánh tay mạnh bạo giật phắt tôi ra. Chốc sau tôi thấy mình đang ở trong phòng hiệu trưởng. Ai hỏi gì tôi cũng không nói, chỉ gằm mặt nhìn bàn tay mình đầy máu con Thu đang cố chùi vào áo. Năm đó tôi bị lưu ban vì đạo đức kém. Nhưng kể từ đó không đứa nào dám động vào tôi nữa.
Suốt từ ngày đó cho đến cách đây vài năm trước tôi không hề có bạn là con gái, đàn bà. Những người phụ nữ tình cờ quen biết trong cuộc sống bị tôi đối xử rất lạnh nhạt, xa cách và đầy cảnh giác. Tôi luôn bị ám ảnh bởi ý nghĩ họ sẽ hành hạ tôi không cách này thì cách khác, vào một lúc nào đó. Di chứng tổn thương ngày bé để lại trong tôi một định kiến mà phải hơn ba mươi năm tôi mới có thể xóa được và tôi mới có thể làm bạn, chơi cùng, trò chuyện và kết thân, yêu quý những người bạn phụ nữ, như hiện nay.
Cách đây chục năm, tôi có một người yêu rất tốt bụng và hiền lành. Anh thường bày tỏ tình cảm bằng cách véo nhẹ vào hông tôi. Không đau, nhưng nó làm tôi giật mình, khó chịu. Tôi kể anh nghe chuyện mình từng bị nhéo rất nhiều trong tuổi thơ và tôi không thích điều đó. Anh không thể hình dung tôi đã chịu đựng những gì và tổn thương tinh thần quá lớn nên thỉnh thoảng theo thói quen anh lại nhéo hông tôi một cái khi yêu đương. Khi sự chịu đựng lên đến đỉnh điểm, tôi nổi điên. Điên loạn thực sự. May là tôi không giết anh. Chúng tôi chia tay nhau sau đó.
Tôi kể chuyện của mình và những di chứng tổn thương tinh thần để muốn nói một điều: Bạo lực học đường kéo dài ảnh hưởng rất tồi tệ lên tâm sinh lý con người. Nó để lại những tổn thương không nhìn thấy bằng mắt nhưng nó âm ỉ, dai dẳng rất khó vượt qua.
Gia đình nuôi dạy con cái bằng bạo lực, xã hội bạo lực, giáo dục bạo lực, con người không coi trọng các tổn thương tinh thần, cổ xúy cho việc dùng roi vọt, nắm đấm trong giáo dục thì chúng ta sẽ không bao giờ dẹp bỏ được vấn nạn bạo lực học đường mà chỉ làm nó gia tăng với mức độ tàn bạo, tinh vi hơn mà thôi.
Khi viết những dòng này, tay tôi run, lưng lạnh toát mồ hôi, không phải vì sợ, mà vì ám ảnh. Đọc, hiểu, thay đổi tư duy như thế nào là ở các bạn, tôi chẳng thể làm gì hơn.
BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG, DO ĐÂU? (tiếp theo)
Trong bài trước, tôi kể chuyện mình bị bắt nạt, những di chứng tổn thương tôi đã phải chịu đựng và vượt qua để làm rõ những tổn hại của vấn nạn bạo lực. Phần này, tôi tập trung vào nguyên nhân và giải pháp.
Thật ra, đề tài này tôi đã viết rất nhiều trước đây nhưng lần nào cũng vấp phải phản ứng khá cực đoan của nhiều người, bởi họ vẫn cho rằng việc sử dụng roi vọt với trẻ là điều bình thường, thỉnh thoảng cần thiết. Cho dù rất cố gắng nhưng tôi không thể đâm toạc, xé rách sự bảo thủ đã cố kết trong họ và làm cho họ tham gia cùng tôi trong việc truyền đi thông điệp: nói không với roi vọt, bạo hành trẻ em.
Điểm lại những vụ việc bạo hành học đường giữa các em với nhau, ta thấy, đa số các vụ việc xảy ra khi các em ở độ tuổi từ 13-17 tuổi. Đây là độ tuổi dậy thì, thay đổi tâm sinh lý, chuẩn bị trở thành người lớn.
Ở tuổi này, các em rất muốn thể hiện bản thân, bản lĩnh cá nhân. Nếu không được giáo dục đúng cách các em luôn thể hiện sai lệch và gây ra hậu quả nghiêm trọng cho bản thân và người xung quanh.
Giáo dục đúng cách không phải là khi ta nhìn thấy hậu quả của hành động của các em rồi thì ta mới dạy, mà ta phải dạy trẻ đúng cách từ khi trẻ mới ra đời.
Xưa, người Việt cưới nhau, đẻ con hoàn toàn theo bản năng và kinh nghiệm truyền lại, không có một chút học hỏi, chuẩn bị nào trước đó. Bố mẹ trong gia đình không hề dạy bảo con trai con gái về sinh lý. Khi con hỏi thì nạt ngang do xấu hổ và luôn làm ra vẻ chuyện làm tình là điều kinh tởm. Do đó, họ cũng không thể dạy con về sự hình thành và sự sinh sản. Càng không dạy con cái cách chăm sóc nuôi dạy một đứa bé. Trường lớp cũng không giáo dục giới tính cho mãi đến khoảng hai chục năm trước mới rón rén đưa vào và cũng không cẩn thận, chi tiết.
Do không được dạy dỗ những điều căn bản nhưng cũng không hoàn toàn thực hiện bản năng mà dựa vào kinh nghiệm nên người Việt nuôi dạy, yêu thương con trẻ hoàn toàn dựa vào những gì trước đó nhìn thấy ở ba mẹ ông bà mình.
Người Việt luôn miệng bảo yêu thương con nhưng luôn đặt điều kiện. Một đứa trẻ bú ngoan, ỉa đúng giờ, không khóc quấy thì được yêu nhiều. Một đứa trẻ vừa bú vừa chơi, không tham ăn, mẹ vừa thay tả xong lại són ra một tí, khóc đòi..thì thường chịu sự cáu gắt, mắng mỏ và thỉnh thoảng tét vào mông. "Ngoan" mới được yêu. Không "ngoan" thì bị trừng phạt. Dù rằng chúng chẳng có tội gì.
Ngay khi còn ẳm ngửa, chưa biết gì, đứa trẻ đã phải chịu đựng những cách yêu thương sai. Nếu người Việt được học cách yêu thương và biết đứa con là do mình chọn sinh ra và có quyền chọn, nó đâu có chọn, nó không phải là bổn phận và trách nhiệm mà là kết quả của tình yêu, mình yêu nó mình mới đẻ nó, thì người Việt đã không bực bội, cáu gắt và không biết yêu con mà vẫn nghĩ rằng yêu.
Đa số người Việt chịu roi đòn từ ông bà bố mẹ. Từ xa xưa đến nay đều thế. Rồi học từ bố mẹ để dạy con bằng đòn roi. Nông thôn, thành thị, nông dân, trí thức...đều lôi con ra đập hết. Đánh khi con làm điều gì đó mà mình cho là sai. Đánh khi bản thân đang giận chồng giận vợ hoặc trục trặc trong công việc. Đang bực bội với khách hàng mà đứa nhỏ lớ rớ hỏi điều gì đó là quát, "Đi chỗ khác. Lộn xộn." Nó mà cãi, "Con có làm gì đâu" là ăn tát, "Hỗn hả? Dám trả treo hả mạy!"
Mẹ đang giận chồng chuyện đi sớm về muộn nhậu nhẹt, con xin đi chơi thì liền ăn quát, "Suốt ngày đi chơi lêu lỗng không lo học hành. Mày giống thằng bố mày làm khổ tao. Cái giống gì mà không biết nghe lời. Khóc à? Câm mồm!" Họ trút toàn bộ những ẩn ức, thất bại của đời mình lên con cái bằng đòn roi, quát nạt, sỉ nhục. Rất nhiều người Việt đã phải chịu cảnh này. Và lặp đi lặp lại với các thế hệ sau, hình thành vòng tròn bệnh lý không thể phá vỡ.
Những đứa trẻ bị bạo hành, bắt nạt vô lý dần hình thành trong suy nghĩ kẻ mạnh luôn thắng kẻ yếu và có quyền bắt nạt, đồng thời phải phục tùng vô điều kiện kẻ mạnh hơn mình.
Con Thu, cái đứa bắt nạt tôi thuở nhỏ, nhà có 11 anh chị em, nó là đứa giữa. Nhà nó cùng xóm tôi. Mẹ nó là bà béo ngày nào cũng qua nhà tôi vào lúc tôi ăn cơm, cầm roi nhịp nhịp chan chát vào mặt bàn, quát nạt bắt tôi phải cầm thìa bằng tay phải. Mẹ tôi nể nang bà, chẳng bênh con. Anh Tư có lần chịu không nổi quát lại bà ấy. Bà bỏ về tôi mới thoát. Nhưng anh Tư bị mẹ mắng tội hỗn hào với người lớn tuổi. Con Thu thường bị bố mẹ anh chị nó đánh đập, nó thì thường đánh đập đám em và lũ trẻ trong xóm nhưng không dám bắt nạt tôi khi ở nhà vì sợ các anh tôi. Nó đợi tôi vào trường, chỉ có một mình, nó mới dám bắt nạt.
Tất cả những đứa trẻ bắt nạt và bị bắt nạt đều là nạn nhân của sự giáo dục đòn roi và thiếu hiểu biết. Nó là vòng lặp bệnh lý. Và thể hiện ra bên ngoài rõ nét nhất khi ở độ tuổi dậy thì.
Chính quyền là nơi có chức năng nghiên cứu xã hội khi nhìn thấy hiện tượng bất thường hoặc sai lệch rồi đánh giá hòng đề ra các chính sách pháp luật, xây dựng chương trình giáo dục, vận động, tuyên truyền để điều chỉnh, thay đổi nhận thức, hành vi sai lệch cho người dân. Thế nhưng, chính quyền đã không làm được điều này. Vẫn kiểu hô thì to làm thì như cứt nát. Vẫn coi trọng thành tích, vẫn tư duy tốt khoe xấu che và chạy theo đồng tiền bất chấp tất cả. Cho đến giờ, chính quyền vẫn không đưa ra được một triết lý giáo dục nào. Bộ giáo dục chỉ là một trong những công cụ của chính quyền, có nhiệm vụ nhào nặn ra "con người mới xã hội chủ nghĩa."
Tất cả mọi thứ đều lỗi nên sản phẩm dĩ nhiên không thể hoàn thiện.
Tôi không oán trách các thế hệ đi trước, họ cũng là những sản phẩm lỗi của những thế hệ trước nữa. Nhưng, ta cần nhìn nhận rõ vấn đề để thay đổi tư duy. Không thể phủ nhận lấp liếm và bảo rằng mình cũng thành người đấy thôi rồi duy trì tư duy sai lệch sử dụng bạo lực như một công cụ để giáo dục.
Chúng ta được sinh ra là người, nuôi dạy kiểu nào cũng thành con người. Nhưng người như thế nào? Chúng ta có đáng được gọi là người khi chúng ta để cho đất nước mình không phát triển, mất dần văn hóa, ngày càng xa các giá trị đạo đức, văn minh, nhân bản? Chúng ta có đáng gọi là người khi chỉ lo ve vuốt cho bản thân và để cho các thế hệ sau tiếp nhận một di sản tồi tệ? Các anh chị đừng vội tự ái, tất cả chúng ta đều có một phần trách nhiệm khi không đủ dũng cảm để tạo ra sự thay đổi trong tư duy hòng làm nên một sự thay đổi trong xã hội dù là nhỏ nhất. Chỉ lên tiếng trước những sự kiện gây bức xúc trong xã hội không thôi là chưa đủ. Chúng ta cần phải thay đổi tư duy bảo thủ để dọn dẹp những tư duy sai trong chính mình, giúp nhiều người khác thay đổi thì mới có thể cùng nhau buộc chính quyền thay đổi từ giáo dục đến những thứ khác.
Từ lâu, tôi không còn trách con Thu, nó là đứa đáng thương, thậm chí đáng tội nghiệp hơn tôi nhiều. Tôi ít ra đã thoát được vòng lặp bệnh lý và không để những tổn thương làm cho thành người cả đời cay nghiệt.
Tôi mong các anh chị đừng sỉ vả các cháu bắt nạt là những kẻ ác độc. Chúng có những hành động ác độc đó là do lỗi của các thế hệ đi trước trong gia đình, của chính quyền, của xã hội. Chúng cần được giúp đỡ bởi chính chúng ta. Xin hãy hiểu những vụ việc bị phanh phui chỉ là một phần nhỏ của tảng băng chìm đã có từ lâu.

Tg: Nga Thi Bich Nguyen

Trong hình ảnh có thể có: Nga Thi Bich Nguyen, mũ, cận cảnh và ngoài trời

Đăng nhận xét

0 Nhận xét