GIÁO DỤC TRONG GIA ĐÌNH

GIÁO DỤC TRONG GIA ĐÌNH

Bài 1: LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ THỂ LÀM BẠN VỚI CON

Sự giáo dục của gia đình là nền tảng căn bản cho một đứa trẻ, đây là điều mà nhiều nhà nghiên cứu xã hội học đã chứng minh và được công nhận bởi tính đúng đắn của nó. Người Việt mình có biết? Có. Nhưng cái biết của người VIệt mình chỉ dùng lại ở biết, chưa quan tâm để có thể hiểu một cách sâu sắc để biết cần phải giáo dục cái gì, như thế nào.
Con người có được sự giáo dục trong gia đình một cách cơ bản để làm nền tảng thì sẽ dễ thành công trong cuộc làm người. Gia đình bỏ lơ giáo dục trong gia đình hoặc giáo dục không đúng cách con trẻ lớn lên cho dù học rất nhiều ở trường, xã hội, có bằng cấp, đi khắp nơi trên thế giới thì vẫn có cái gì đó thiếu hụt trong cách tư duy, ứng xử.
Tôi có khá nhiều bạn đang có con nhỏ và con ở tuổi bắt đầu dậy thì. Có khá nhiều bạn thường than gặp nhiều khó khăn trong việc dạy bảo con cái. Đó là vì chúng ta đã phức tạp hóa những điều đơn giản. Để dạy bảo trẻ con một cách hiệu quả nhất ta hãy làm bạn với chúng. Tôi đoán là nhiều bạn cũng đã nghe đến khái niệm: làm bạn với con. Nhưng hiểu một cách thấu đáo để thực hiện cho đúng phương pháp thì không nhiều nên các ông bố bà mẹ vẫn thường dùng uy quyền, vũ lực để áp đặt sự giáo dục hơn là trao đổi, hướng dẫn con cái.
Các ông bố bà mẹ thường viện lý do bận rộn với cuộc sống, công việc để làm cái cớ cho việc áp dụng phương pháp roi vọt, quát nạt, uy quyền vì họ nghĩ nó có tác dụng nhanh chóng. Họ không hiểu rằng họ đang phức tạp hóa vấn đề và làm cho việc giáo dục trở nên khó khăn hơn với chính họ và con cái.
Làm bạn với con là tự đặt mình vào vị trí ngang hàng với trẻ, suy nghĩ như trẻ để hiểu nhu cầu, suy nghĩ của trẻ mà trao đổi, hướng dẫn một cách đơn giản, dễ hiểu và không phán xét.
Nhưng, con người là một giống ưa thích quyền lực, dù chỉ là quyền lực với người trong nhà, thậm chí với đứa trẻ. Chỉ khi hiểu rõ đó chỉ là thứ quyền lực vớ vẩn chỉ gây tổn hại thì người ta mới chịu buông bỏ, thay đổi và chấp nhận làm bạn với con thay vì nhất định phải làm ông bố bà mẹ uy quyền và con cái phải nhất định vâng lời mọi mệnh lệnh.
Người lớn thường quên đi mình đã từng là trẻ thơ với đầy những nghịch ngợm, phá phách, hư đốn, cãi lời và làm hỏng việc. Bên cạnh là sự chi phối của cái tâm lý thích thể hiện quyền lực, bố mẹ thường giấu nhẹm đi những sai lầm của bản thân đối với con cái, hoặc chối bỏ mình đã từng là một đứa trẻ còn khó dạy hơn cả con mình bây giờ!
Ta thường nghe ba mẹ mình bảo: "Hồi tao bằng tuổi mày bây giờ tao đã biết nấu cơm, giặt giũ,...chứ đâu có được sung sướng như mày bây giờ...." Họ giấu nhẹm việc họ cũng đầy lần trốn đi chơi, cãi lời, lười nhác. Họ xây dựng lên một hình tượng hoàn hảo nhất có thể trong mắt con cái để muốn chúng noi theo. Thật ra điều này phản tác dụng vì con cái sẽ cảm thấy có khoảng cách rất lớn với bố mẹ và luôn cảm thấy bản thân vô dụng, thấp kém hơn so với bố mẹ, kèm theo đó là mặc cảm tội lỗi vì mình mà bố mẹ phải khổ sở. Nó chẳng thiết đến sự cố gắng nữa chứ không hề noi theo tấm gương mà bố mẹ dày công dựng lên.
Làm gương cho con cái không phải là xây dựng một hình tượng hoàn hảo trong mắt con rồi dùng uy quyền áp đặt bắt nó phải soi vào. Làm gương là bố mẹ phải sống và học để hoàn thiện bản thân hơn mỗi ngày trước mắt con cái. Chính cái nỗ lực ấy mới là tấm gương cho con tự nguyện học theo và nể trọng chứ không phải một hình ảnh hoàn hảo không tưởng.
Chúng ta thương yêu con cái và mong con cái thương yêu chúng ta nhưng chúng ta thường thương yêu sai cách và ép chúng yêu mình vì mình có công đẻ chúng ra, có công nuôi chúng ăn, lo cho chúng học, nghĩa là đã là con thì mặc định là phải yêu thương bố mẹ bất kể bố mẹ ra sao. Chúng ta luôn muốn con cái thành người, thành công nhưng chúng ta lại không chú trọng đến việc giáo dục đúng cách, khi chúng không được như mong muốn thì chúng ta đổ thừa tại trời sinh tính!
Do chịu ảnh hưởng từ những thế hệ trước, cách giáo dục sử dụng quyền lực cứng để áp đặt nên rất nhiều người trong chúng ta mắc phải những vấn đề về tâm lý và lặp lại một cách vô thức với con cái của mình. Để thay đổi điều đó, đầu tiên phải là bước nhận thức được bản thân rồi mới đến việc học để thay đổi và sau đó áp dụng những phương pháp dạy khác để phá bỏ vòng lặp bệnh lý.
Chỉ khi từ bỏ được quyền lực áp đặt thì bố mẹ mới đủ kiên nhẫn, thấu hiểu để làm bạn với con, cùng vui, cùng học và hướng dẫn con tránh những sai lầm trong tư duy, trong ứng xử, tạo ra sự bình đẳng nhất định, đem lại cho trẻ cảm giác thoải mái, vui vẻ và dễ dàng trong việc trao đổi với bố mẹ mà không có rào cản, không sợ bị trách mắng đánh đập, cáu giận. Mọi sự dạy bảo thông qua trao đổi nhẹ nhàng và bình đẳng sẽ được tiếp thu nhanh hơn bởi trẻ không bị áp lực, không mặc cảm, không sợ hãi.
Thử đi, các bạn sẽ thấy việc dạy con dễ dàng hơn rất nhiều và vui bất tận vì nó giống như ta được sống lại tuổi thơ một lần nữa, một cách thú vị hơn.

 BÀI 2: MỘT SỐ BÀI HỌC TRONG VIỆC HỌC CÁCH LÀM BẠN VỚI CON

Thằng bạn kể:
"Có cái cốc vỡ, tớ bảo con lấy tờ giấy gói vào, cho vào túi rác để nó không gây ra nguy cơ đứt tay cho những người lao công khi họ thu gom rác. Thằng con rút ngay tờ giấy ăn đưa tớ. Tớ cáu, mắng nó."
"Ờ. Cậu mắng gì?"
"Ơ kìa, lại còn hỏi mắng gì?! Tớ bảo tờ giấy mỏng như thế làm sao gói được cái cốc vỡ cho khỏi đứt tay. Con không thấy rằng nó không có tác dụng à.."
"He he.. Cậu không đủ kiên nhẫn và đang lấy tư duy người lớn áp đặt trẻ bắt nó phải có kinh nghiệm như một người lớn. Nó chưa từng làm việc đó trước đây thì nó không hiểu rằng tờ giấy ăn không gói được, phải giấy báo hoặc loại dầy hơn. Chỉ khi nào nó tự làm rồi thì mới biết được chứ. Mình đâu thể nghĩ rằng nó biết đó là tờ giấy mỏng thì mặc dịnh là nó biết suy luận ra rằng tờ giấy đó không thể gói cái cốc vỡ."
"Ừ. Tớ sai, chưa đủ kiên nhẫn. Vẫn đang nỗ lực đây."
Ta thấy, nếu ta làm bạn với con, ta sẽ:
"Con trai, nhà mình có cái cốc vỡ, nếu mình để như vầy cho vào túi rác sẽ có nguy cơ làm cô lao công bị đứt tay khi thu gom. Con giúp bố lấy giấy bọc vào nhé."
Nếu con đưa tờ giấy ăn, ta sẽ cười, bảo:
"Bố cảm ơn con. Nhưng nó mỏng quá, với tờ giấy mỏng như thế này thì chúng ta sẽ phải cần rất nhiều tờ mới gói được các mảnh vỡ. Làm vậy cũng được, nhưng không tiết kiệm. Hay là chúng ta lấy tờ giấy nào khác dầy hơn nhỉ?!"
Và để yên một vài giây cho trẻ suy nghĩ xem giấy nào dầy hơn tờ giấy ăn...và nó sẽ tự đi lấy.
Đó là làm bạn, cùng học, cùng làm và HƯỚNG DẪN con một cách đúng cách để con phát triển tư duy, học kinh nghiệm, tìm hiểu... Con sẽ nhận thức được việc nghĩ cho người khác, học được cách phân biệt và sử dụng các vật liệu sao cho phù hợp trong công việc, học cách làm việc nhanh, gọn. Ta không được mắng trẻ khi nó đưa ta tờ giấy ăn vì bản thân việc nó đưa tờ giấy ăn không phải là một lỗi của nó.
Cháu gái tôi chui vào cái nhà kho bé dùng để chứa vật dụng linh tinh, ở góc vườn, bẩn vì có chuột, để chơi. Chị nhìn thấy liền quát thật to ra lệnh: "M, N chui ra." Đó là dùng uy quyền áp đặt để bắt trẻ con tuân lệnh ngay lập tức. Hai đứa giả vờ không nghe câu mẹ quát. Chị quát tháo hò hét tới câu thứ ba thì tụi nhỏ mới chui ra.
Làm bạn với con ta sẽ:
"Ê, hai đứa, chui vô đó chơi vui ghê hén. Tiện tay bắt luôn cho mẹ bầy chuột trong đó với."
Bảo đảm tụi nhỏ sẽ cuống quýt chui ra trong ba giây. Khỏi quát. Nó không chui ra mà xúm vào bắt chuột thì...tiện quá còn gì! He he.
Khi trao đổi với chị về việc chỉ cần sử dụng câu nói, không cần quát tháo, chị bảo:
"Tùy trường hợp. Trong trường hợp này thì phải quát thật to cho nhanh bởi muốn tụi nó chui ra ngay lập tức."
Ý muốn của người lớn là như vậy và nghĩ rằng bọn trẻ cũng nghĩ như mình và nghe theo ngay lập tức nhưng rõ ràng là nó không có tác dụng. Cái chị sợ là bọn trẻ bị bẩn nhưng thực ra là chúng đã bẩn khi chui vào cái nhà kho đó rồi, không tránh được. Người quát mệt. Trẻ con bị quát mà không hiểu chuyện gì. Chẳng có gì vui. Và chúng sẽ nghĩ "chơi gì cũng bị cấm đoán." Lần sau chúng sẽ lại lén lút chui vào chỗ đó chơi chứ không hề tránh ra xa như ta muốn.
Qua hai câu chuyện trên ta thấy, trong rất nhiều trường hợp, ta thường lấy tư duy, kinh nghiệm và sự hiểu biết của người đã trưởng thành áp vào đứa trẻ để cho rằng nó cũng phải biết tư duy, hiểu biết và hành động giống mình. Và điều này đem lại cho ta sự ức chế, cáu giận khi đứa trẻ không đáp ứng được. Ở chiều ngược lại, đứa trẻ bị mắng sẽ cảm thấy mình bị mắng oan và ấm ức, nó không học được gì. Tự nhiên cả hai bên đều căng thẳng.
Trong bài trước, tôi viết về việc làm bạn với con, đó là một quá trình thay đổi nhận thức một cách liên tục, lâu dài của bố mẹ, không phải nói là làm ngay được bởi chúng ta chịu ảnh hưởng từ lối giáo dục áp đặt của các thế hệ trước. Chúng ta sẽ vấp phải rất nhiều sai lầm trong quá trình thay đổi phương pháp dạy con. Điều quan trọng là chúng ta nhận ra mình mắc sai trong trường hợp nào. Vì sao ta sai. Và cố gắng thay đổi tốt hơn cho mình, cho trẻ.

Tg: Nga Thi Bich Nguyen

Đăng nhận xét

0 Nhận xét