MÌNH XẤU THÌ MÌNH SỬA THÔI Tham vặt

MÌNH XẤU THÌ MÌNH SỬA THÔI
Tham vặt
Người Việt mình bây giờ nhiều người có tính tham vặt. Vì có nhiều người có tính tham vặt nên người tham vặt không còn cảm thấy xấu hổ mà nghĩ tính xấu ấy là bình thường. Người ta nghĩ mình không tham thì đứa khác nó cũng tham, nên người ta cứ vô tư tham vặt, ăn cắp một cách dễ dàng và ngày càng ngang nhiên, không hề cảm thấy cắn rứt.
Chúng ta có thể nhìn thấy thói xấu này ở khắp nơi, trong nhiều thành phần xã hội, gây ra nhiều thiệt hại mất mát về vật chất. Nhưng cái mất mát nhiều nhất là mất niềm tin trong xã hội. Con người khó còn có thể tin tưởng nhau, sống trong một không gian ngờ vực đầy âu lo, nhưng cũng sẳn sàng tham vặt khi có điều kiện.
Tham vặt là gì? Nó có phải là bản chất của người Việt? Nó xuất phát từ nguyên nhân nào?
Tham vặt là lấy những cái không thuộc về mình trong tâm thế chỉ nghĩ cho mình nhưng nghĩ ngắn, tủn mủn, vặt vãnh.
Theo nhận định của tôi, nó không phải bản chất của người Việt.
Nó xuất phát do môi trường xã hội tác động, dần dần ăn sâu thành thói tính.
Nói chuyện với nhiều người lớn tuổi để tìm hiểu, nghe nhiều câu chuyện, đối chiếu với lịch sử cận đại, tôi nhận định thói tham vặt bắt đầu hình thành ở số đông và phát triển từ khoảng năm 1972 đến nay. Trước đó dĩ nhiên cũng có nhưng nó không là "đại dịch."
Tại sao lại vậy?
Người Việt mình đói triền miên, chẳng mấy thời kỳ được no đủ sung sướng, nhưng ngày xưa còn giữ được cái lễ làm người. Còn giữ được văn hóa hay ít ra là cũng e sợ lệ làng, phép nước và còn sợi dây ràng buộc làng xóm trên dưới trong cộng đồng. Nên dù thiếu kém vẫn cố giữ mình không làm điều xấu. Hoặc lỡ có làm điều xấu thì cũng biết lén lút, xấu hổ.
1. Cách mạng ào đến, cuốn người ta đi cướp, cuốn người ta vào cuộc đấu tố cướp bóc long trời lỡ đất và cho rằng đó là điều đúng, chẳng việc gì phải xấu hổ. Vì thiếu kiến thức, thông tin và do nghĩ ngắn cộng lòng tham, lại bị vừa tuyên truyền vừa ép buộc nên người dân nhiệt tình đi cướp bóc, giết chóc. Thói xấu được dung dưỡng và ca tụng. Khác gì một cuộc đổi đời tháo cũi xổ lồng cho con quỷ trong người nhảy ra lấn át phần người.
2. Người Việt xấu đi nhưng chưa tệ lắm. Vì cuộc cải cách ruộng đất ấy cũng qua. Con người vẫn còn có thể quay lại làm người tốt. Những năm tem phiếu ấy dù thiếu thốn nhưng vẫn còn xoay xở được. Cho đến năm 1972 trở đi thì thiếu đói khủng khiếp. Chiến tranh Bắc-Nam. Viện trợ từ Liên Xô và Trung Quốc bị cắt giảm. Trước đó người mỗi năm được 5m vải thì giờ còn 2. Lương thực, nhu yếu phẩm khan hiếm. Cả dân cả lính đói cùng đói cực. Lúc này, nhiều người bắt đầu nhận ra những tuyên truyền của cộng sản "làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu là dối trá.
3. Để dồn sức đánh miền Nam, cộng sản tuyên truyền "mỗi người làm việc bằng hai" đến khi giải phóng sẽ rất giàu mạnh vì "miền Nam đồng bằng chả phải cày cấy gì cứ gieo hạt là tới ngày cắt lúa về ăn." Người dân miền Bắc lúc bấy giờ tin thật và cũng vì muốn "cứu dân miền Nam khỏi sự cai trị của đế quốc Mỹ" nên họ làm việc cật lực, vì lý tưởng, tình yêu thương, chẳng nề hà công sức. Ấy thế nhưng niềm tin ấy bị phá sản bởi sau 1975 thì đói vẫn hoàn đói và ngày càng đói hơn. Ngăn sông cấm chợ. Nảy sinh đầu cơ, hách dịch ở những đứa có tí quyền.
4. Khi bỏ bao cấp vì không còn có thể bao cấp được nữa, "nhà thơ cách mạng" làm kinh tế với chính sách "lấy giá bù lương" càng làm cho người dân (bây giờ là cả nước) khốn khổ, đói rả họng.
Khổ quá, mất lý tưởng, mất nền tảng đạo đức, mất niềm tin vào thành phần lãnh đạo và có chức quyền (1+2+3+4) thì người ta ăn cắp. Chúng nó tham có làm sao đâu, tớ tham tí cũng được! Chúng nó ăn toàn công trình to, tớ đi làm công nhân mỗi bữa xúc ít xi măng vào cặp lồng cơm đem về thì có hề hấn gì. Chúng nó rượu chè phủ phê, tớ đi làm trốn việc một chút thì đã làm sao. Chúng nó ở nhà to, tớ đi làm mỗi ngày nhặt hai viên gạch chả chết ai... Thời đó, người dân sáng ra đường đi làm, tối về nhà mà không tham vặt ăn cắp được của công hoặc của đứa khác cái gì là không vui! Và nghèo là cái lý để biện minh cho tất cả.
Rồi cuối cùng cũng mở cửa, cũng thoát đói. Thoát đói thì dễ nhưng con người chẳng còn có thể thoát được tính tham vặt. Nó đã đủ điều kiện và thời gian để bám rễ, ăn sâu và truyền sang thế hệ khác.
Người Việt mình thấy xe chở hàng bị lật thì ra hôi của. Ăn cắp hoa ở công viên, đường phố. Ăn cắp giờ làm việc ở cơ quan, công ty. Ăn cắp từ từng cuộc gọi cho đến điện nước, tờ giấy, cái ghim. Và hớn hở khi có thể ăn cắp được một thứ dù là nhỏ nhất. Khoe nhau tài ăn cắp, chỉ nhau cách ăn cắp và cười chê đứa không biết không muốn ăn cắp là ngu khờ! Quan chức, công nhân viên ăn cắp của nhà nước thì dân ăn cắp từng centimet ngõ, hẻm, đường để cơi nới và cứ "tranh thủ" được cái gì của ai là sung sướng vô cùng tận.
Hết đói rồi, chẳng thiếu thốn gì, nhưng khi đi ăn buffet người ta cũng lấy nhiều ngoài sức ăn rồi bỏ mứa, giành nhau lấy hơn đứa khác thì mới thỏa lòng. Tham vặt hiện diện mọi nơi và đem vào cả nơi thờ phụng thánh thần. Bất chấp tất cả. Và kết quả là ai cũng sợ đứa khác tham của mình. Cả nước đề phòng ăn cắp, luôn luôn bị cắp và số người từ chối tham gia ăn cắp ngày càng ít đi.
Để thay đổi tình trạng này, nhất thiết phải từ thượng tầng đi xuống. Nhưng, "nếu thẳng tay trị ăn cắp tham nhũng trong quan chức, công nhân viên chức thì lấy ai làm việc?!"
Trên bình diện cá nhân, làm sao để thay đổi? Có nhiều cách lắm, nhưng thật khó để cá nhân thay đổi vì ai cũng dễ dàng ngụy biện để biện minh cho hành vi của mình trong một xã hội đầy gian dối và ngụy biện.
Trong gia đình, đối với thế hệ con trẻ, tôi thấy cách giáo dục của phương Tây rất tốt. Xin hãy tham khảo và dạy con trung thực, không lấy của người làm của mình và coi đó là một tội trọng, đáng xấu hổ.
Tôi loay hoay khó kết thúc bài viết. Nhưng đành ngừng ở đây. Việc ngẫm và thay đổi là ở mỗi người trong chúng ta vậy.

Tg: Nga Thi Bich Nguyen

Trong hình ảnh có thể có: Nga Thi Bich Nguyen, mũ, cận cảnh và ngoài trời

Đăng nhận xét

0 Nhận xét