MÌNH XẤU THÌ MÌNH SỬA THÔI Bảo thủ

MÌNH XẤU THÌ MÌNH SỬA THÔI

Bảo thủ

Cái tính bảo thủ ở người Việt cũng nhiều không thua gì tính đố kỵ. Người lớn tuổi bảo thủ đã đành, người trẻ tuổi cũng mắc phải tính này và thậm chí còn cực đoan cộng ngông cuồng tự mãn hơn xưa.
Hỏi anh bạn, "Tính bảo thủ xuất phát từ đâu?" Anh bảo, "Do cộng sản." Tôi lại hỏi, "Ngày xưa, lúc chưa có cộng sản, ông bà mình đã hay nói câu 'trứng mà đòi khôn hơn rận' để mắng người trẻ khi chúng có ý kiến khác các cụ và buộc chúng tuân lời không được cãi, cãi là hỗn. Thế thì do đâu?" Anh bảo, "Do nền giáo dục Á Đông. Cụ thể hơn là Khổng giáo."
Trước tiên, bảo thủ xuất phát từ nền văn hóa, giáo dục theo Khổng giáo. Vua, quan, người lớn tuổi hơn được mặc định luôn đúng vì tự cho rằng có vai vế, sống lâu có nhiều kiến thức và kinh nghiệm hơn người trẻ nên họ không chấp nhận những ý kiến của người trẻ hơn.
Bên cạnh đó là sự tự mãn, họ cho rằng mình đã giỏi, đã đủ kinh nghiệm nên không cần nghe các ý kiến khác. Lại mang tâm lý thuần phục kẻ có vai vế, mạnh hơn mình nên họ cũng buộc người dưới phải thuần phục mình kể cả khi họ sai. Nó là cái vòng tròn bệnh lý khép kín kéo từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Đất nước mình từ xưa đến nay chưa bao giờ phát triển vượt bậc so với các nước khác, phần lớn cũng vì tính bảo thủ. Bởi khi bảo thủ thì luôn giữ khư khư định kiến, không thể hoặc khó có thể tiếp thu những điều mới, lạ, khác với mình. Tính phản biện bị triệt tiêu, những ý tưởng tư tưởng mới bị vùi dập, những ý kiến cách làm mới bị bài bác. Thế thì làm sao có thể phát triển, đột phá, phát minh?
Cộng sản không vô can. Họ là nguyên nhân chính làm cho tính bảo thủ thêm nặng nề đến mức cực đoan. Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ câu trào phúng: "Điều 1 sếp luôn luôn đúng, điều 2 nếu sếp sai hãy đọc lại điều 1."
Đảng, chính quyền quản lý điều hành đất nước không bằng trí tuệ nhân dân mà bằng nghị quyết đảng do một nhóm nhỏ người đề ra một cách duy ý chí. Bắt cả nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa mà không biết đi đâu. Bao năm vẫn giảng ra rả:"Muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa thì phải có con người mới xã hội chủ nghĩa. Con người mới xã hội chủ nghĩa là gì? Là con người có nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa." Hỏi con người có nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa là gì thì...đéo ai biết! Nhưng ai phản biện đảng và chính quyền thì liền bị vu khống cho các tội danh xét lại, phản động, làm loạn rồi bỏ tù, vô danh sách đen. Mới gần đây, tổng bí thư còn gọi những người muốn đa đảng, thay đổi là suy thoái, thế lực thù địch.
Đảng, chính quyền đưa tư duy bảo thủ chính trị vào học đường. Những đứa trẻ ở nhà bị lối tư duy bảo thủ của ông bà cha mẹ chèn ép, đến trường bị tư duy áp đặt nhồi nhét. Hệ quả tất yếu là chúng ta đang trở nên bảo thủ theo cách cực đoan, ngông cuồng nhất và thể hiện nó ra mọi lúc mọi nơi.
Cái câu, "Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học" giờ chẳng mấy ai để ý đến nữa. Người người tự mãn và cố sống cố chết giữ định kiến, quan điểm cá nhân của mình mà không thừa nhận quan điểm của người khác.
Ta thấy, chúng ta thường cãi nhau và chia phe để cãi nhau chứ không có hoặc rất hiếm có tranh luận, thảo luận là vì vậy. Sự bảo thủ ăn sâu đến mức trở thành thuộc tính. Người này sai, người kia nhắc thì lập tức bị phản ứng theo cách tiêu cực nhất chứ ít học hỏi tiếp thu để sửa đổi hoàn thiện bản thân. Tất cả mọi mặt đều bị đóng khung không thể cởi mở. Chẳng có cái gì có thể phát triển, thành công. Chẳng có ai có thể vượt trội. Ai cũng có cảm giác bị vùi dập nhưng đồng thời cũng có cảm giác mình giỏi nhứt, hơn hẳn!
Sửa thế nào?
-Lắng nghe một cách kiên nhẫn ý kiến, quan điểm khác. Trao đổi lại trên tinh thần tôn trọng và học hỏi.
-Không đóng khung bản thân vào một định kiến nào. Hãy biết rằng kiến thức là vô hạn và nhiều thay đổi diễn ra hằng ngày và chúng ta không thể biết hết mọi thứ. Có những điều mình biết ngày hôm nay ngày mai đã thành lạc hậu. Do đó phải học, đọc, cập nhật liên tục với tinh thần cầu thị.
-Thay đổi cách ứng xử với người trong nhà, nhất là với con cái. Tôn trọng chúng và lắng nghe, trao đổi chứ không áp đặt uy quyền.
-Nhắc lẫn nhau trên tinh thần tương kính khi thấy người khác bảo thủ.
Khi viết loạt bài này, tôi nhận được không ít ý kiến cho rằng người Việt chẳng thể sửa được thói xấu đâu. Tôi tin con người luôn muốn hướng thiện và hướng đến những điều tốt đẹp hơn, người Việt cũng không ngọai lệ. Sẽ sửa được. Nhắc nhau nhiều không thấm nhiều cũng thấm ít, phỏng ạ!

Tg: Nga Thi Bich Nguyen

Trong hình ảnh có thể có: Nga Thi Bich Nguyen, mũ, cận cảnh và ngoài trời

Đăng nhận xét

0 Nhận xét